khối trụ có núm

Hướng dẫn khối trụ có núm – Dịch từ quyển sổ tay của bà Montessori

Bộ khối trụ có núm. Trong quyển sổ tay của bà Montessori giới thiệu 3 bộ, nhưng thực tế các trường hiện nay chúng ta sẽ thấy 4 bộ, bổ sung bộ giảm về tiết diện và tăng về chiều cao)

  • Giới thiệu lúc 2,5 – 3 tuổi
  • Thời gian hoạt động từ 2,5 – 4 tuổi
  • Hoạt động trên bàn cho trẻ tư thế thoải mái nhất

3 giáo cụ đầu tiên có thể thu hút sự chú ý của đứa trẻ từ 2,5 đến 3 tuổi là 3 khuôn gỗ dài. Mỗi khuôn gỗ có 10 khối trụ bên trong, được hoàn thiện với một núm để trẻ cầm.

Bộ 1: Những khối trụ có cùng chiều cao, nhưng tiết diện giảm dần (Ảnh bị ngược)
Bộ 2: Những khối trụ giảm dần cả chiều dài và tiết diện, nhưng luôn giữ nguyên tỷ lệ (Ảnh bị ngược)
Bộ 3: Các khối trụ có cùng tiết diện nhưng chiều cao giảm dần. Khối trụ dần trở thành cái đĩa ở khối cuối cùng. (Ảnh bị ngược)

Bộ khối đầu tiên khác nhau ở 2 chiều (dài và rộng, cao giữ nguyên), bộ khối thứ 2 khác nhau cả 3 chiều (dài, rộng, cao), và bộ khối thứ 3 khác nhau về chiều cao.
Thứ tự cho 3 bộ khối trụ này được tôi đưa ra được sắp xếp từ dễ tới khó.

Trong bài tập này, trẻ sẽ lấy các khối trụ ra, xáo trộn chúng lên và đặt chúng lại vào đúng vị trí. Hoạt động được thực hiện khi trẻ ngồi thoải mái trên một chiếc bàn nhỏ. Đứa trẻ rèn luyện đôi tay của mình qua việc cầm giữ vào núm gỗ bằng các đầu ngón tay của mình, và một chút chuyển động của bàn tay và cánh tay khi trẻ xáo trộn các khối trụ, đi kèm với sự cố gắng để không làm các khối trụ bị đổ cũng như không tạo ra quá nhiều tiếng ồn, sau đó đặt chúng tại vào đúng vị trí trên khuôn gỗ.

Ở lần giới thiệu đầu tiên, người giáo viên chỉ cần lấy ra các khối trụ, xáo trộn chúng một cách nhẹ nhàng trên bàn. Sau đó, thay vì đặt lại, cô để cho trẻ được đặt chúng lại vào khuôn gỗ. Việc cô đặt khối gỗ lại vào khuôn thường không cần thiết, bởi trẻ thường có thể quan sát các bạn của mình làm, và việc quan sát bạn bè thường thúc đẩy trẻ bắt chước tốt hơn.
Trẻ thường thích làm hoạt động này một mình, hay làm trong một không gian riêng tư, vì sợ những trợ giúp không cần thiết từ bên ngoài.

Làm thế nào mà trẻ có thể tìm được vị trí đúng cho mỗi khối trụ đã được xáo trộn đang đặt trên bàn? Trẻ sẽ thử, thường là sẽ cầm và đặt khối trụ vào cái lỗ quá lớn với kích thước của nó. Sau đó, trẻ sẽ thay đổi vị trí khối trụ cho đến khi nào khối trụ này được đặt vừa với lỗ. Và ngược lại, khối trụ có thể rơi tọt quá dễ dàng vào một cái lỗ quá lớn với nó. Khối trụ lúc này bị đặt vào vị trí không phải của nó, mà của một khối trụ khác lớn hơn. Trẻ sẽ tiếp tục làm, và cuối cùng, khi trẻ đặt các khối trụ trở lại, sẽ có một khối bị thừa ra ngoài, nó không thể nào được đặt vừa vào cái lỗ còn lại. Đứa trẻ lúc này không thể nhìn thấy lỗi sai một cách rõ ràng như khi đặt khối trụ vào cái lỗ nhỏ hơn, nó lúng túng, tâm trí bé nhỏ của trẻ đối diện với một vấn đề đẩy sự thích thú của trẻ lên cao. Trước đó, tất cả các khối trụ đều vừa vào khuôn, nhưng bây giờ thì có 1 khối không vừa. Trẻ bắt đầu để ý thấy một vài khối trụ đang có quá nhiều chỗ trống, trẻ nghĩ có thể các khối trụ này đang nằm sai chỗ, và cố gắng để đặt chúng lại sao cho đúng. Trẻ lặp đi lặp lại quá trình này, và cuối cùng, trẻ cũng thành công. Trẻ nở một nụ cười cùng với cảm giác mãn nguyện to lớn. Hoạt động này khơi gợi, chạm trực tiếp vào trí tuệ của trẻ, trẻ muốn làm lại hoạt động này từ đầu và, với kinh nghiệm của lần thử đầu, trẻ muốn một lần thử sức lần nữa. Trẻ từ 3 – 3,5 tuổi có thể làm đi làm lại hoạt động này tới 40 lần mà không mất đi sự hứng thú.

Khi bộ khối trụ thứ 2 và thứ 3 được giới thiệu, sự thay đổi trong hình dáng của chúng một lần nữa khơi gợi hứng thú làm việc của trẻ.

Bộ khối trụ có núm mà tôi miêu tả trên đây phục vụ việc rèn luyện đôi mắt trẻ để phân biệt sự khác nhau về kích thước (thay đổi về chiều dài, rộng, cao) để qua việc nhìn, có thể biết khuôn nào sẽ vừa với khối trụ mà trẻ đang cầm trên tay. Việc kiểm soát lỗi sai đã có ngay trong giáo cụ, và trẻ có thể nhìn thấy điều đó rõ ràng và cụ thể.

Ham muốn để đạt tới sự hoàn thành (The desire of the child to attain an end which he knows), dẫn dắt trẻ tự sửa sai cho mình. Không phải giáo viên là người nhìn ra lỗi sai và chỉ cho trẻ sửa lại, mà chính những tiến trình phức tạp của trí thông minh trẻ dẫn dắt việc tự sửa sai này.
Đây chính là điểm bắt đầu của tiến trình tự giáo dục.

Mục tiêu của bài học này không phải từ bên ngoài, không phải làm thế nào đặt các khối trụ vào khuôn, hay làm thế nào để thực hiện hoạt động này.
Mục tiêu của bài học này đến từ bên trong, đứa trẻ sẽ tự huấn luyện mình để quan sát, so sánh các vật, để hình thành phán đoán, để lý luận và quyết định; và hành vi lặp lại tưởng như vô hạn các bài tập này của trí thông minh và khả năng tập trung mà từ đó trẻ có những phát triển thực sự.

Contact Me on Zalo
Scroll to Top