hướng dẫn tháp hồng montessori

Hướng dẫn Tháp hồng, Thang nâu, Gậy đỏ – Dịch từ cuốn sổ tay của bà Montessori

Bộ 3 giáo cụ này được bà Montessori xếp vào cùng một serie để trẻ hoạt động sau khi giới thiệu bộ khối trụ có núm. Đó là tháp hồng, thang nâu và gậy đỏ. Theo đó, độ tuổi để giới thiệu 3 hoạt động này là khi trẻ được 3 tuổi.

Hình 1: Trẻ hoạt động với tháp hồng (Ảnh chụp tại trường của ngài Hawker ở Runton)

Tháp hồng gồm 10 khối lập phương gỗ có màu hồng, giảm dần kích thước cạnh từ 10cm đến còn 1 cm. Với những khối gỗ lập phương này, trẻ sẽ xây thành 1 tòa tháp. Ban đầu trẻ sẽ đặt khối gỗ lớn nhất lên trên thảm, rồi tiếp tục đặt lên tất cả những khối gỗ còn lại theo thứ tự từ lớn nhất tới nhỏ nhất. Và ngay sau khi xây xong tòa tháp, với một cái búng tay, tòa tháp đổ sập, các khối lập phương rơi xuống dưới thảm, và đứa trẻ sẽ tiếp tục xây lại lần nữa.

Hình 2: Tháp hồng
Hình 3: Thang nâu

Thang nâu gồm 10 khối lăng trụ gỗ, màu nâu, chiều dài cố định 20cm, còn tiết diện đáy giảm dần từ 10cm đến 1cm. Đứa trẻ đặt rải rác 10 khối lăng trụ nâu lên một chiếc thảm sáng màu. Đôi khi trẻ bắt đầu với khối lớn nhất, đôi khi nhỏ nhất, sau đó sắp xếp các khối còn lại theo thứ tự tăng hoặc giảm dần

Hình 4: Gậy xanh đỏ

Gậy đỏ (trong sách của bà là gậy xanh lá cây), nhưng cũng có thể có màu thay thế là đỏ và xanh dương (bà đang nói tới gậy xanh đỏ ở góc toán), tất cả gậy có chung tiết diện vuông với cạnh 4cm, nhưng chiều dài thay đổi từ 10cm – 100cm. Đứa trẻ xáo trộn những chiếc gậy trên một chiếc thảm lớn, và nhờ so sánh những chiếc gậy với nhau, trẻ sắp xếp chúng theo độ dài tăng hoặc giảm dần.

Như mọi khi, người giáo viên, bằng cách cho trẻ xem cách cô thực hiện hoạt động, trẻ sẽ thấy được cách những khối này được sắp xếp. Nhưng trẻ thì thường học được cách làm không phải là qua cô, mà qua quan sát các bạn trong lớp. Tuy nhiên, người giáo viên nên tiếp tục để mắt tới trẻ, để ý tới những nỗ lực làm việc của trẻ. Khi cô định can thiệp, thì nên là khi trẻ đang không sử dụng giáo cụ một cách tôn trọng, chứ không phải khi trẻ gặp lỗi trong quá trình sắp xếp những khối gỗ theo thứ tự.

Khi trẻ đặt sai thứ tự các khối gỗ, ví dụ như một khối lập phương hồng nhỏ ở phía dưới một khối lớn hơn. Thì chính việc lặp đi lặp lại hoạt động sẽ giúp trẻ củng cố khả năng quan sát và sớm hay muộn sẽ giúp trẻ tự sửa lỗi của mình. Trẻ thường gặp lỗi nhiều nhất khi hoạt động với gậy đỏ. Mục tiêu của bài tập, không phải là các khối gỗ được đặt đúng thứ tự, mà là đứa trẻ nên hoạt động một mình, giáo viên không cần phải can thiệp. Một ngày nào đó, đứa trẻ sẽ sắp xếp tất cả cây gậy đúng thứ tự, và với đầy vui sướng, trẻ sẽ gọi cô tới xem và tán thưởng. Mục tiêu của bài tập lúc này đã hoàn thành.

3 bài tập này, tháp hồng, thang nâu và gậy đỏ, khiến đứa trẻ phải vừa di chuyển vừa mang theo từng khối, vốn rất khó khăn với đôi tay nhỏ của trẻ. Và nhờ vậy, mắt của trẻ được huấn luyện nhiều lần để nhìn ra điểm khác biệt giữa các khối.
3 hoạt động này nhìn có vẻ dễ hơn khối trụ có núm, nhưng thực ra thì khó hơn với trẻ bởi cả 3 hoạt động này không có tính sửa lỗi nằm sẵn bên trong giáo cụ, mà trẻ phải dùng chính đôi mắt của mình để nhìn ra sự khác biệt giữa các khối. Vì vậy, để hỗ trợ mắt trẻ nhận diện sự khác nhau này, các bộ giáo cụ được làm với kích thước lớn. Những giáo cụ kết hợp tay – mắt được giới thiệu sau này sẽ có kích thước nhỏ hơn.

*Chữ in nghiêng là chữ của người dịch, được viết vào nhằm cung cấp thêm thông tin cho người đọc

Contact Me on Zalo
Scroll to Top