Các giai đoạn phát triển của giáo viên Montessori – Giai đoạn 1

Mô hình Các giai đoạn phát triển của giáo viên (The stages of development in teachers) được viết bởi Sharon L. Dubble, PhD. Mô hình nhận ảnh hưởng từ công trình Sự phát triển của giáo viên của Lilian Platz, và Sự học của người lớn của Malcolm Knowles, cùng với rất nhiều cuộc phỏng vấn với các giáo viên Montessori, chủ trường, và các trainer.

Hành trình của người giáo viên Montessori bắt đầu từ ngày cô được đào tạo. Tuy nhiên, sự phát triển tiếp diễn và trải qua các giai đoạn trong bối cảnh làm việc thực tế tại trường học.

Giai đoạn 1. Sơ sinh (năm đầu tiên)

Giai đoạn này rất giống với giai đoạn dễ tổn thương của trẻ sơ sinh khi đứa bé thay đổi để thích nghi với môi trường bên ngoài tử cung. Đối với người giáo viên là sau giai đoạn đào tạo.

Công việc quan trọng nhất cần làm ở giai đoạn này là “Sống sót”. Với đứa trẻ sơ sinh, đó là khả năng thở, tiêu hóa, và xây dựng, duy trì một hệ thống những kỹ năng để tồn tại độc lập ở môi trường mới, nơi rộng lớn hơn và phức tạp hơn nhiều so với môi trường tử cung trước đó. Đối với người giáo viên, đó là hiện thực hóa lý tưởng. Người giáo viên mới phải thích nghi với môi trường bằng việc phát triển những hình mẫu hoặc thói quen của riêng mình một cách độc lập và “tự hành” khi thực hành, đáp ứng với thực tế của lớp học và trường học.

Đặc điểm tính cách

Lý tưởng. Người giáo viên mới thấm đẫm lý tưởng khi nhìn về những tiềm năng của trẻ, và được dẫn dắt bởi những nguyên tắc của phương pháp Montessori.

Hướng vào thực hành. Giống như bước 2 của Bài học 3 bước, người giáo viên muốn được tự làm và tin rằng nó sẽ hiệu quả.

Dễ bị tổn thương. Thường xuyên cảm thấy quá sức bởi trách nhiệm mình đang có. Sợ hãi bị từ chối hoặc thất bại, và nhạy cảm khi tiếp nhận các đánh giá.

Nhu cầu

Tự do nhưng vẫn cần được chăm lo. Giáo viên cần có nhiều cơ hội để thực hành, để lặp lại và được đưa bản thân vào vòng lặp việc thử, gặp lỗi, và sửa lỗi.

Định hướng mình trong môi trường mới. Những định hướng mà người hướng dẫn đưa ra cần liên quan trực tiếp tới những vấn đề và bối cảnh phát sinh mà giáo viên gặp phải. Vấn đề nảy sinh cần được nhìn nhận dựa theo nguyên tắc “cô lập” (Isolation of difficulty – Tương tự với nguyên tắc cô lập nội dung bài học trong các giáo cụ Montessori, như bài học với khối trụ có núm là rất nhiều khối trụ chỉ khác nhau 1 yếu tố như chiều cao, tiết diện, hay độ lớn. Những cản trở không cần thiết cần được loại bỏ để cho trẻ có thể tập trung và thành thục CHỈ MỘT yếu tố)

Hỗ trợ

Được bảo vệ khỏi stress, quá tải. Hiểu rằng, mục tiêu của người giáo viên lúc này là tạo ra mối quan hệ thân thiết, gần gũi với những đứa trẻ trong lớp. Người hỗ trợ cố gắng loại bỏ tối đa những cản trở như sự can thiệp từ những phụ huynh hay đòi hỏi, công việc từ các ban, các khoa, hành chính giấy tờ không cần thiết …

Hỗ trợ giáo viên những công việc như làm giáo cụ, sắp xếp các bản ghi chép, sắp xếp dụng cụ, giáo cụ, …

Chủ trường hoặc người hướng dẫn cần đưa ra những cuộc đối thoại về hiện thực hóa lý thuyết vào thực hành. Lưu ý nguyên tắc “cô lập các yếu tố” (Isolation of difficulty). Những cơ hội kết nối với các giáo viên Montessori khác cũng rất quan trọng để cô có thể chia sẻ những thành công cũng như những bận tâm của mình.

Contact Me on Zalo
Scroll to Top