5-Boys-Playing-at-the-beach-Child-impressionism

Rèn luyện ý chí cho trẻ mầm non

Ý chí là dòng chảy giúp bước chân của trẻ được vững vàng, giúp trẻ có thể kiên trì làm và hoàn thành một công việc khó, giúp trẻ không rơi vào trạng thái bất lực rồi khóc òa khi mong muốn của mình vượt quá khả năng của bản thân. Ý chí mạnh giống như một chiếc giảm sóc tốt gắn lên xe, giúp trẻ có thể vượt qua những “ổ trâu, ổ gà” trở ngại trong môi trường mà không làm hỏng hay tổn thương tâm trí vốn còn đang non nớt của trẻ.

Vậy phụ huynh và giáo viên có thể làm gì để giúp rèn luyện ý chí cho trẻ?

Ý chí là “cơ bắp” của tâm trí, và chỉ mạnh lên khi được sử dụng đúng cách và vừa sức. Với “cơ bắp” nhỏ, những bài tập nên được cắt nhỏ cho phù hợp. Có rất nhiều dạng bài tập khác nhau, nhưng có thể chia chúng thành 2 dạng:

a. Công việc trẻ làm hàng ngày

Một đứa trẻ sẽ không bao giờ ngừng tay ngừng chân, trẻ luôn phải tìm kiếm hoạt động cho cơ thể của mình. Một người lớn thì khác, anh ấy có thể ngồi yên, bởi anh ấy đang thao tác trong tâm trí của mình, anh ấy chạy liên tục từ suy nghĩ này sang suy nghĩ kia, anh ấy không ngừng suy nghĩ. Sẽ bất khả thi nếu chúng ta bắt một người lớn không suy nghĩ gì cả. Và cũng tương tự, sẽ bất khả thi khi ta bắt một đứa trẻ ngưng hoạt động, bởi đó là nhu cầu thiết yếu của việc sống, vận động là thức ăn để nuôi dưỡng ý chí.

Hãy chuẩn bị cho trẻ một “phòng tập” được chuẩn bị trước, đẹp đẽ và sạch sẽ, với những dụng cụ vừa với kích thước của trẻ. Những chiếc chậu rửa nhỏ để trẻ có thể với tới, những bộ bàn ghế nhỏ để trẻ tự lên xuống, những chiếc bình nước nhỏ để trẻ có thể tự rót, một số vật nặng tương đối để trẻ có thể tự mình đẩy đi, … Quan sát và để ý xem liệu có dụng cụ nào bị hỏng, bị thiếu để sửa chữa, dụng cụ nào bẩn thì mình lau rửa đi, dụng cụ nào mà trẻ đã thành thạo rồi và cả tháng không đụng vào thì mình có thể cất đi và thay bằng dụng cụ khó hơn. Trẻ sẽ luyện tập cả ngày trong đó mà không biết mệt.

Đôi khi những công việc trẻ làm còn thách thức cả nhận thức của người lớn. Tại sao trẻ lặp lại bài tập đó nhiều lần như vậy, có lợi ích gì trong hoạt động đó, và tại sao trẻ cứ làm sai thế mặc dù mình đã chỉ bảo nhiều lần rồi mà. Đầu óc của người lớn hoạt động bằng lý luận dựa trên quan niệm, tính logic và tính kinh tế (tối đa hóa lợi ích và tối thiểu chi phí). Còn đầu óc của trẻ thì “lý luận” bằng các giác quan và trẻ “đánh giá lợi ích” qua niềm yêu thích với bản thân công việc chứ không phải qua kết quả. Chính vì thế mà khi đi bộ, nếu cứ bảo trẻ phải đi cho đến nơi, trẻ sẽ bước được vài bước rồi đòi bố mẹ bế, nhưng nếu cứ thản nhiên rong chơi, một bé 2 tuổi có thể đi bộ tới 2km mà không thấy mỏi mệt.

b. Những đau đớn bất ngờ

Mỗi nỗi đau dù là về thể chất hay về tinh thần đều là một cơ hội giá trị để trẻ rèn luyện ý chí của bản thân. Nhưng khác với dạng bài tập công việc ở trên, khi mỗi bài tập đều là do trẻ chọn lựa hoặc được gợi ý, còn với những đau đớn bất ngờ này, trẻ không bao giờ chủ ý chọn lựa cả. Nó xảy đến một cách bất ngờ và trẻ không ý thức được việc nó sẽ xảy tới.

Nỗi đau giống như một viên đá chặn lại dòng chảy của ý chí. Khi ý chí chảy rộng và mạnh hơn thì cũng sẽ gặp những nỗi đau lớn hơn, nhưng với khả năng và nhận thức của trẻ, những khó khăn này thường không bao giờ quá sức nếu trẻ được chuẩn bị trước.

Để chuẩn bị cho những đau đớn bất ngờ, bố mẹ và thầy cô hãy quan tâm tới 2 điều: 1 là trí tuệ giúp trẻ nhận diện, và 2 là tình yêu thương để bao bọc những phản ứng đau đớn nơi trẻ, và đôi khi cả nơi người lớn.

Khi trẻ bước đi trên sàn nhà trơn và ngã, trẻ khóc. Tiếng khóc này bởi vì trẻ đau do va đập, và cũng bởi việc mất thăng bằng với thế giới và rơi xuống, trẻ đột nhiên không còn chỗ để bám víu. Ba mẹ hãy đánh giá tình hình, làm những sơ cứu nếu cần thiết, trạng thái hốt hoảng và lo lắng của bố mẹ không giúp tình hình tốt lên mà còn làm trẻ sợ và không biết dựa vào đâu khi ngay cả những bậc hùng mạnh như bố mẹ mình còn lo lắng như vậy.

Hãy nói với trẻ về tình hình để trẻ nhận diện: Sàn nhà trơn, con bị ngã, con đau ở đây,… Bao bọc trẻ với tình yêu thương và sự chắc chắn: Bố mẹ chườm lạnh cho con, bố mẹ ở đây với con rồi, con ở đây với bố mẹ rồi,… Và cuối cùng, khi trẻ đã dần bình tĩnh, hãy khuyến khích trẻ tự tham gia vào việc tự đứng dậy này: Con cầm đá lạnh này chườm nhé, đếm từ 1 đến 10 nào.

Mỗi đau đớn bất ngờ này không chỉ là bài kiểm tra cho bé, mà còn là bài kiểm tra cho bố mẹ nữa. Trốn tránh chỉ làm tình hình tồi tệ hơn vào lần sau, hình thành tâm lý bị động cho cả trẻ và người lớn, dẫn đến mất khả năng đứng lên sau mỗi lần bị “vấc ngã”.

Đau đớn về thể chất đã khó, nhưng đau đớn về tinh thần đôi khi còn làm cho trẻ cảm thấy tuyệt vọng hơn, đặc biệt là khi trẻ bắt đầu hình thành cái tôi với vô vàn mong muốn chưa được hợp lý hóa (khoảng 15 tháng) hay khi trẻ đối diện với những bối cảnh xa cách về tình yêu thương. (Xem bài viết: Đồng hành cùng trẻ vượt qua khủng hoảng). Trong những bài kiểm tra này, bố mẹ cũng sẽ cần chuẩn bị trí tuệ để hiểu và nhận diện, trước tiên là cho bố mẹ, và sau là cho con theo khả năng nhận diện của mình. Và quan trọng nhất là tình yêu bao bọc con trong những lúc khó khăn này.

Contact Me on Zalo
Scroll to Top