Hướng dẫn bộ thẻ nhám và mịn – Dịch từ cuốn sổ tay của bà Montessori

Cùng với thời điểm trẻ hoạt động với tháp hồng, thang nâu và gậy đỏ, trẻ có thể được giới thiệu với bộ thẻ nhám và mịn (từ 2,5 – 3 tuổi).

Hình 1: Bộ thẻ nhám và mịn là 1 tấm gỗ với 1 nửa được dán miếng giấy nhám

Để hoạt động với giáo cụ này, trẻ đã cần biết cách rửa tay với nước lạnh và xà bông, sau đó lau khô, rồi nhúng đầu ngón tay xuống nước ấm trong vài giây. Các bài tập với giác quan cảm nhận nhiệt (thermic sense) cũng cần khâu chuẩn bị này.

Vào lần đầu tiên khi giới thiệu với trẻ hoạt động này, hay các hoạt động huấn luyện xúc giác khác, người giáo viên luôn cần phải chủ động, không chỉ làm mẫu cho trẻ, mà cô cần phải cầm tay trẻ, khéo léo để các ngón tay của trẻ chạm một cách nhẹ nhất lên mặt phẳng. Cô không nên giải thích gì cả, nếu muốn nói, cô hãy khuyến khích trẻ cảm nhận hoạt động này qua đầu ngón tay. Sự chuyển động khéo léo của đôi bàn tay như lơ lửng trên tấm thẻ, chỉ tiếp xúc rất nhẹ với bề mặt. Đây là một bài tập rất tốt để chuẩn bị cho các bài huấn luyện xúc giác tiếp theo, vốn là một phần rất quan trọng trong phương pháp Montessori.

Khi trẻ đã cảm thụ được hoạt động này, trẻ sẽ lặp lại hoạt động một mình theo cái cách khéo léo mà cô đã dạy.

Hình 2: Tấm bảng nhám với các dải giấy nhám có độ nhám giảm dần

Sau tấm bảng với 2 bề mặt nhám và mịn, trẻ được giới thiệu một bảng khác với bề mặt thay đổi về độ nhám. Những cấp độ khó hơn của những tấm thẻ nhám cũng sẽ được giới thiệu sau đó (Ghép cặp thẻ nhám mịn có cấp độ giống nhau). Trẻ sẽ dần hoàn thiện kỹ năng của mình qua việc chạm vào những bề mặt này. Không chỉ hoàn thiện khả năng tiếp nhận và phân biệt qua xúc giác, mà còn hoàn thiện chuyển động của bàn tay qua việc lướt các đầu ngón tay trên mặt phẳng

Hình 3: Bộ các miếng vải để trẻ ghép cặp

Theo sau giáo cụ này là một chuỗi những vật liệu khác để trẻ tiếp xúc: Nhung, vải xa tanh, lụa, tơ,  len, cotton, vải thô, vải lanh. Mỗi miếng vải đều phải sáng màu và sống động.

Với giáo cụ này, trẻ được dạy một cách sử dụng mới của đôi bàn tay. Trước đây, trẻ chạm, còn bây giờ trẻ học được cách cảm nhận, ừ những vật liệu mịn nhất tới những vật liệu thô nhất. Cả bàn tay trẻ được luyện tập, trẻ tìm thấy niềm vui sướng lớn nhất khi đưa tay rờ lên từng mảnh vải. Tiếp đó, gần như bản năng, để tăng cường cảm nhận xúc giác, trẻ nhắm mắt lại, trẻ có thể tự che mắt mình bẳng khăn mùi xoa, rồi lần lượt chạm và ghép cặp từng mảnh vải. Sau đó bỏ khăn ra xem mình có mắc lỗi nào không.

Hoạt động chạm và cảm nhận này hấp dẫn đứa trẻ một cách đặc biệt, và xui khiến trẻ tìm những cảm nhận tương tự trong môi trường. Một đứa trẻ, bị thu hút với chiếc váy của một vị khách, bé sẽ chạy đi rửa bàn tay của mình, rồi quay lại, với sự tỉ mẩn vô cùng, bé chạm vào váy của vị khách với vẻ mặt thể hiện niềm vui và sự hứng thú.

Contact Me on Zalo
Scroll to Top