Hướng dẫn bộ chuông học nhạc Montessori – Dịch từ sổ tay của bà Montessori

Ban đầu, khi thiết kế những giáo cụ học nhạc ở Rome, chúng tôi sử dụng những chiếc chuông được bán rời thường được dùng để làm quà tặng. Nó bao gồm 2 bộ chuông với cao độ tạo thành một quãng tám, chuông 1 nốt và chuông nửa nốt (tone and semitone). Những chiếc chuông kim loại này được đặt trên một đế gỗ hình vuông, trông giống nhau về hình dáng, nhưng khi dùng búa gỗ gõ vào, nó cho ra âm thanh với cao độ tương ứng các nốt: Đô, Rê, Mi, Fa, Sol, La, Si, Đố, Đô#, Rê#, Fa#, Sol#, La#.

Một bộ chuông được đặt theo cao độ tăng dần trên một tấm bảng dài. Tấm bảng được sơn thành các ô trắng đen xen kẽ với kích thước mỗi ô sơn bằng đúng hình vuông đế của chiếc chuông, tạo thành một quãng 8 trên bàn phím piano với khoảng trắng là các nốt, khoảng đen là nửa nốt (các nốt thăng giáng)

Bộ chuông học nhạc

Ban đầu, chỉ có những chuông Đô, Rê, Mi, Fa, Sol, La, Si, Đô được đặt lên tấm bảng (ô trắng)

Ở bài tập đầu tiên, trẻ sẽ cầm chiếc búa gỗ nhỏ để gõ vào nốt đầu tiên (Đô) của serie các nốt trắng đã được xếp theo thứ tự trên bảng. Sau đó nhìn sang bộ chuông thứ 2 (đã được xáo trộn thứ tự cao độ đặt trên bản), trẻ gõ vào từng chiếc chuông một để tìm ra âm thanh giống với chiếc chuông Đô ban đầu. Sau khi tìm được chiếc chuông Đô tương ứng, trẻ đặt chiếc chuông đối diện với chiếc đầu tiên (Đô).

Và trẻ gõ vào chiếc chuông tiếp theo (Rê) 1 hoặc 2 lần; và tiếp tục tìm trong những chiếc chuông trên bàn cho đến khi tìm được Rê, và đặt nó đối diện chiếc chuông thứ 2 trên tấm bảng. Trẻ tiếp tục như vậy cho đến khi kết thúc hoạt động.

Việc tìm vật có tính chất giống nhau đã được trẻ thực hiện trong các bài học như khối trụ âm thanh, thẻ màu, thẻ nhám, …

Sau đó, trẻ học cách sắp xếp các âm theo thang âm. Trẻ gõ vào những chiếc chuông đã được sắp xếp trên bảng, và cùng với đó hát các nốt tương ứng Đô, Rê, Mi, Fa, Sol, La, Si, Đô. Khi trẻ có khả năng nhận biết và nhớ chuỗi các nốt này, trẻ sẽ trộn cả 8 chuông lên, và tìm lần lượt các nốt Đô, Rê, … bằng cách gõ búa vào chúng. Mỗi khi trẻ đặt vào tấm bảng một nốt mới tìm được, trẻ sẽ gõ từ đầu các chuông đã được tìm thấy và sắp xếp: Đô, Rê; Đô, Rê, Mi; Đô, Rê, Mi, Fa; Đô, Rê, Mi, Fa, Sol, … Bằng cách này, trẻ hoàn thành việc sắp xếp tất cả các chuông theo thứ tự trong thang âm, chỉ sử dụng tai của mình. Hoạt động này cuốn hút những trẻ từ 5 tuổi trở lên.

Bởi đây là nền tảng của việc giáo dục thính giác, vốn rất quan trọng và phức tạp trong thực hành, tôi không hề muốn giới hạn trẻ trong những tiến trình học của chúng. Dù đó là những phương pháp lâu đời trong điều trị điếc, hay những ứng dụng của sinh lý học hiện đại trong dạy nhạc. Thực tế, tôi cũng sử dụng những ống kim loại tạo tiếng vang, những thanh gỗ nhỏ tạo ra nốt nhạc, và nhạc cụ dây (đàn harps). Trẻ sẽ sử dụng và nhận ra sự khác biệt về cao độ (các nốt) mà chúng đã học được khi luyện tập với những chiếc chuông. Bằng cách này, trẻ học được cùng lúc cao độ và âm sắc. Cùng với đó, có những bài tập như diễu hành theo điệu nhạc piano để trẻ học về nhịp điệu, và những bài hát đơn giản được hát bởi trẻ, để mở rộng hơn sự phát triển về cảm quan âm nhạc ở trẻ.

Contact Me on Zalo
Scroll to Top