Bốn giai đoạn phát triển – Maria Montessori’s The Bulb

Bài viết này được tổng hợp từ một bài giảng của bà Maria Montessori trong hội nghị Montessori năm 1938 tại Edinburg, Scotland và một bài giảng tại London, Tháng 3 năm 1939

4 stages of development - The bulb

Hình ảnh của The Bulb được chỉnh sửa, thêm màu bởi July Henze, Metamorphosis, Transforming Growth Possibilities và soát lại bởi Alan Evans.

Xem bản Tiếng Anh tại đây: The Four Planes of Development

“Phương pháp của chúng tôi dựa trên những sự thật chúng tôi nhìn thấy qua các biểu hiện của trẻ ở những giai đoạn phát triển khác nhau. Mỗi giai đoạn phát triển của cuộc sống có những nhu cầu khác nhau và những biểu hiện khác nhau. Không chỉ tôi, mà rất nhiều người làm giáo dục khác cũng phát biểu như vậy.

Trẻ không phát triển tịnh tiến từng ngày, theo cùng một tốc độ. Quá trình phát triển này có những biến động lớn, giống như sự hóa thân (metamorphosis) của côn trùng. Tuy nhiên ở trẻ, những thay đổi không hiển hiện rõ ràng, nhưng bản thân quá trình thì tương tự. Nếu một cách tiếp cận trong giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, thật rất hiển nhiên rằng người làm giáo dục cần được trẻ dẫn dắt thay vì đi theo những quan niệm và định kiến. Và thật rằng, trẻ chính là người chỉ đường của giáo dục.

Như tôi đã đề cập ở trên, trong quá trình phát triển, trẻ trải qua những giai đoạn khác nhau với những nhu cầu đặc biệt ở mỗi giai đoạn. Những đặc tính, tính cách của trẻ qua các giai đoạn khác nhau đến nỗi các nhà tâm lý học dùng từ “tái sinh” để miêu tả cho những thay đổi này.

Điều này tương tự quá trình chuyển hóa từ ấu trùng sang con non ở côn trùng. Hai giai đoạn này hoàn toàn khác biệt. Nhu cầu và hành vi của chúng trong mỗi giai đoạn cũng rất khác biệt.

Vì bản thân trẻ, giáo dục nên song hành, làm bạn với trẻ. Thay vì chia các trường học thành mầm non, tiểu học, trung học và đại học, chúng ta nên chia giáo dục thành các giai đoạn, và mỗi giai đoạn này đồng hành với một giai đoạn phát triển mà CÁ NHÂN ĐÓ ĐANG TRẢI QUA.

Chúng ta hãy đi vào chi tiết hơn.

Giai đoạn đầu tiên: Từ 0-6 tuổi

Giai đoạn đầu tiên của trẻ bắt đầu từ lúc sinh ra đến khoảng 6 tuổi. Giai đoạn này trẻ vừa ở nhà, vừa ở trường, và giáo dục cần cân nhắc cả 2 môi trường trong việc hỗ trợ trẻ. Khi đạt 3 tuổi, trẻ có thể bắt đầu đi lớp. Đó là đứa trẻ đáng yêu với cái má hồng, tóc hơi cong mềm mà chúng ta vẫn biết. Đứa trẻ này cần tình yêu và sự bảo vệ. Từ phía người lớn, không yêu cầu quá nhiều hiểu biết chuyên sâu về sư phạm. Nhờ ơn trên cao, đứa trẻ cần gì, sẽ được cho thứ đó. Nhưng trong thời kỳ hiện nay, chúng ta CẦN BIẾT RẰNG trẻ sẽ cần PHẢI ĐẠT ĐƯỢC SỰ PHÁT TRIỂN qua việc ĐÁP ỨNG NHỮNG NHU CẦU TRỌNG YẾU CỦA ĐỜI SỐNG. Đứa trẻ 0-6 đang trải qua giai đoạn tạo hình, tinh thần đang được hình thành dựa trên cơ thể sinh học. Nghiên cứu của chúng tôi hé mở ra những sự thật chưa từng được tiết lộ. Chẳng hạn như trẻ đã biết tự xác định giá trị cho bản thân mình (For instance, that the child “valorizes” his personality). Vì vậy ngay cả khi nhỏ hơn 3 tuổi, trẻ cần có một đời sống xã hội và sự độc lập ở một mức độ nào đó. Đây là những nhu cầu tối quan trọng với cuộc sống của trẻ.

Người lớn chúng ta không biết đến điều này, nhưng trẻ em đã biểu lộ ra. Nhờ đáp ứng và đồng hành với những nhu cầu đó, chúng tôi đã chuẩn bị một môi trường phù hợp với tỷ lệ cơ thể và trí thông minh của trẻ, nơi mà trẻ có thể làm việc và đạt được sự độc lập. Khi quan sát trẻ trong môi trường này, ta sẽ thấy nhu cầu hoạt động và làm việc của trẻ là điều gì đó rất căn bản. Trẻ nhận ra rằng qua những cố gắng của chính mình, trẻ có thể tự lập, trẻ đạt được nhiều thứ khi trẻ đặt tâm trí mình vào đó (set his mind to). Và đôi khi, chúng ta đối mặt với một sự thật đơn giản nhưng quan trọng: Rằng sự giúp đỡ là một trở ngại cho đứa trẻ. Vì vậy, trẻ cần được phép hoạt động tự do một cách chủ động, tự mình bắt đầu theo ý kiến của bản thân trong môi trường tự do này. Điều này không nên được hiểu sai, tự do ở đây không phải là thích làm gì thì làm, nó là có khả năng thực hiện một việc mà không cần giúp đỡ.

Môi trường đặc biệt này có gì? Những người thăm quan những ngôi trường của chúng tôi thấy rằng, nó giống như những ngôi nhà, một ngôi nhà nhỏ cho những đứa trẻ. Trẻ làm gì trong đó? Đó là những công việc mà một người làm khi họ ở nhà. Họ làm những việc có mục đích, họ lau, phủ bụi, mặc quần áo, … Trong căn nhà này, mỗi trẻ có một công việc độc lập với những người khác; nhưng nếu cốc hạt cườm có bị rơi vãi, hoặc khi có ai cần giúp đỡ, những đứa trẻ sẽ tạm dừng công việc của mình và nhanh chóng đi tới giúp đỡ.

Đây là một sự thông thái vô cùng và là bài học cho người lớn, khi mà người lớn thường chạy tới giúp trẻ những trường hợp không cần giúp. Còn khi trẻ thực sự cần giúp, người lớn thường không chịu hy sinh công việc của mình, họ thường bị động và chậm chạp. Cũng rất thường xảy ra trường hợp khi trẻ đang làm một việc, thì người lớn chạy tới giúp đỡ vì nghĩ rằng việc đó quá khó với trẻ, buộc trẻ phải đứng lên để tự bảo vệ chính mình khỏi sự giúp đỡ vô ích này. Để trẻ có thể phát triển, trẻ cần luôn năng động trong công việc của mình, trí thông minh của trẻ mách bảo rằng trẻ có thể làm được, và nếu ai đó giúp trẻ, họ đang làm việc đó thay cho trẻ.

Chúng ta có thể rút gọn những điều trên thành 2 câu. Câu này là trẻ nói với giáo viên: “Hãy giúp con để con tự làm được“. Câu tiếp theo là lời nhắc nhớ: “Mỗi lần giúp đỡ vô ích là một lần gây trở ngại cho sự phát triển

Trẻ 0-6 đứa nào cũng năng nổ và hoạt bát. Và thật kỳ diệu làm sao, sự hoạt bát này rất thực dụng, không chỉ ở vận động cơ thể, trí thông minh của trẻ cũng phát triển rất nhanh; trẻ học những thứ được cho rằng quá khả năng ở tuổi của trẻ. Càng đi vào thực hành, chúng tôi càng nhìn thấy được nhiều trường hợp những trẻ nhỏ hơn có thể học được kiến thức dành cho trẻ lớn. Trong những năm đầu của Ngôi nhà trẻ thơ, chúng tôi thấy trẻ viết ở 4,5 tuổi, đọc lúc 5 tuổi, và lúc 4,5 tuổi trẻ bắt đầu học đại số. Đây thực sự là một việc không tưởng, nhưng những năm quan sát sau đó đã cho thấy trẻ có thể viết và đọc thậm chí ở độ tuổi nhỏ hơn, và vào lúc 5 tuổi, trẻ có thể làm được 4 phép toán cộng, trừ, nhân và chia.

Điều này chứng tỏ rằng, khi sự năng nổ và hoạt bát của trẻ có điều kiện để diễn ra, đứa trẻ có thể làm được những việc vượt quá mong đợi của người lớn chúng ta.

Không chỉ ở khía cạnh học tập, chúng tôi còn khám phá ra những sự thật về hành vi xã hội của trẻ. Trẻ em thường hay rụt rè, hoặc lầm lì phản kháng khi bố mẹ yêu cầu chào hỏi người khác. Nhưng ở trong Ngôi nhà trẻ thơ, những đứa trẻ thể hiện sự tốt bụng và cung cách ứng xử lịch sự. Không chỉ về khía cạnh tình cảm, bọn trẻ muốn học tất cả cung cách ứng xử lịch sự trong đời sống xã hội. Nếu có người dạy, chúng rất thích thú được biết cách chào hỏi, cách xin lỗi khi đi ngang mặt người khác. Chúng cũng chú ý tới áo quần nữa, chúng thích những người ăn mặc đẹp xung quanh, chúng thích bản thân mình cũng mặc đẹp và sạch sẽ. Đó bởi vì chúng tôi đã trao cho chúng cơ hội qua những chiếc bàn chải, chiếc lược, những chiếc gương được gắn vừa tầm. … Vẻ đẹp của môi trường cũng tác động tới trẻ, nên bọn trẻ cũng thích việc cắm hoa, …

Tất cả việc này xảy ra bởi trẻ cảm thấy mình là chủ của ngôi nhà nhỏ này. Trẻ bình thản, trẻ hình thành phẩm cách và sự độc lập. Sự bình thản của trẻ là một tính cách gây ấn tượng sâu sắc. Nó ấn tượng đến mức mà những người lớn, một con người đã chịu đựng nhiều đau khổ và rối loạn bên trong, đã đến để quan sát những đứa trẻ này, với mong muốn mang lại sự bình yên và trật tự bên trong mình.

Trong môi trường mới này, tình yêu của những đứa trẻ được mở rộng. Ở Ý, trong những năm đầu của Ngôi nhà của trẻ, khi một bà mẹ cùng các con cầu nguyện. Lặp lại theo lời cầu nguyện của mẹ, những đứa trẻ cầu nguyện cho tất cả các thành viên trong gia đình của họ. Nhưng khi người mẹ dừng, bọn trẻ vẫn tiếp tục cầu nguyện cho bạn của chúng, cho những người hầu trong nhà, và thậm chí cho cả những con vật nuôi ở trong nhà. Cũng vậy, trẻ em cảm thấy rằng mình cần sự bảo vệ, trẻ cần được cảm thấy mình đang được bảo vệ, rằng có những lực lượng bên ngoài khả năng ý thức của trẻ ở trên thế giới này, đang bảo vệ chúng, giống như những thiên thần hộ mệnh chăm sóc cho từng đứa trẻ một vậy.

Những phát hiện này xuất hiện ở trẻ nhỏ, khiến nhiều người phải nói rằng đây chính là Thiên Đường trên Dương Gian, và xã hội người lớn sẽ trở nên tốt hơn nhiều nếu được xây dựng dựa trên những biểu hiện này. Thực tế, trong xã hội người lớn có rất nhiều người như vậy, họ thích làm đẹp cho bản thân, sống trong một căn nhà ngăn nắp. Những người như vậy có văn hóa, điềm tĩnh và năng động. Nếu họ theo một tôn giáo nào đó, họ nương mình theo Đấng trên cao. Họ, giống như những đứa trẻ kia, sẽ cầu nguyện cho những người khác được yên bình, được bảo vệ, và họ vui vì điều đó.

Có lẽ điều đó là sự thật, có lẽ sự tái hợp của nhân loại sẽ diễn ra như vậy. Có lẽ ai đó sẽ mang tới cho thế giới người lớn một môi trường đẹp đẽ, yên bình và yên lặng. Nhưng, dạng tồn tại sống đó tương ứng với giai đoạn phát triển của một đứa trẻ dưới 6 tuổi. Tôi tin rằng đứa trẻ cần trải qua giai đoạn đó để những giai đoạn tiếp theo có thể được diễn ra một cách hoàn hảo. Đây không phải là kết quả cuối cùng trong sự phát triển của con người, bởi đứa trẻ 7 tuổi sẽ thay đổi một cách hoàn toàn. Đó là giai đoạn thứ 2 của thời thơ ấu. Để thích ứng với giai đoạn này, giáo dục cần chuyển tới giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn thứ 2: Từ 7 – 12 tuổi

Lúc 7 tuổi, bắt đầu có một sự thay đổi về tâm lý và thể chất. Về thể chất, tự nhiên đã đánh dấu sự thay đổi này bằng một sự kiện rất dễ nhận thấy: Răng sữa của trẻ bắt đầu rụng đi, chúng được thay thế bằng những chiếc răng cắm sâu, mạnh mẽ và lớn hơn; Những cụm tóc xoăn trở nên thẳng hơn và tối màu hơn; thân hình mập mạp trở nên gầy và cao hơn. Tính cách ngọt ngào được thay thế bằng sự thẳng thắn, thời kỳ 7-12 có một tên gọi khác là thời kỳ của sự thô lỗ.

Như đã đề cập ở trên, tâm lý của trẻ thời kỳ này cũng thay đổi. Để làm rõ hơn, hãy xem ví dụ sau: Ở trường học, chúng tôi đưa ra một thí nghiệm sinh học: Có một bể cá được đặt vừa tầm của trẻ từ 3 – 9 tuổi. Một buổi sáng nọ, bọn cá bị chết hết. Những đứa nhỏ bị shock với sự thật này, chạy đi khắp các góc lớp để thông báo với những bạn khác: “Bọn cá chết hết rồi”, rồi chạy lại bể cá. Những đứa lớn hơn đứng yên lặng quanh bể cá nói: “Tại sao bọn cá lại chết? Tại sao? Tại sao chuyện này lại xảy ra? Cái gì gây nên chuyện này?”

Sự độc lập của trẻ được thể hiện ở một phương diện khác và khát vọng của chúng có các mục tiêu khác. Chúng muốn biết nhiều thứ mà không cần phải hoạt động tay chân nhiều hơn, tâm trí của trẻ lúc này không ngừng vận động. Tôi không nói rằng đứa trẻ 7 tuổi trở thành một triết gia, nhưng đứa trẻ này đang vươn dần tới sự trừu tượng, cũng như đứa trẻ 0-6 hướng mình về những thứ cụ thể qua các giác quan.

Đứa trẻ 7 tuổi bước chân vào lãnh địa trừu tượng; trẻ muốn biết những lý do đằng sau. Trong đó có một điều trải khắp những suy nghĩ của trẻ đó là tính đạo đức: Cái gì tốt, cái gì xấu. Nếu bạn nói với một đứa trẻ 0-6 rằng nó tồi tệ, nó sẽ chấp nhận việc đó. Trong khi đứa trẻ 7 tuổi muốn biết tại sao nó xấu xa, xấu xa là như thế nào, …

Có một cậu bé luôn đến chỗ giáo viên của mình, nói về những việc xấu mà những đứa trẻ khác làm: “Việc các bạn làm là tốt hay xấu ạ?” “Nói sau lưng người khác là không tốt đâu” Cô giáo trả lời. Nhưng cậu bé này vẫn tiếp tục đến hỏi giáo viên của mình. Một vài lần khác, cậu hỏi cô về một vài việc tốt mà những đứa trẻ khác đã làm. Và rồi người giáo viên cũng hiểu rằng đứa trẻ này đang muốn thiết lập một bản hướng dẫn cho hành vi của chính mình, cái gì tốt và cái gì xấu ở trong lớp. Và khi đã thiết lập xong, cậu không còn tới nói với cô về những bạn học của mình nữa.

Có một đặc điểm riêng của lứa tuổi này là thái độ muốn tách rời khỏi môi trường gia đình. Chúng vẫn muốn một ngôi nhà dễ chịu, đẹp đẽ, nhưng đây không còn là nhu cầu thiết yếu như thời kỳ 0-6 nữa. Đứa trẻ cũng không còn quan tâm liệu mình có sạch sẽ và gọn gàng. Điều cuốn hút trẻ bây giờ là đi ra ngoài. Sự giới hạn và sự bảo vệ của ngôi nhà khiến trẻ khó chịu. Sự thúc giục đi ra bên ngoài (going out) này lớn đến nỗi, chúng tôi nghĩ một phần cuộc sống của trẻ 7-12 nên được dành ra ngoài thời gian ở nhà và ở trường. Một ngôi nhà với rất nhiều đồ nội thất nhỏ nhắn, đẹp đẽ không còn thỏa đáng và hài lòng trẻ nữa. Những cố gắng trẻ có ở giai đoạn đầu để tránh né sự giúp đỡ, để tự làm mọi việc không còn đủ nữa. Trẻ cần sự vươn tới mới mẻ và lớn hơn. Những giao tiếp bên trong ngôi trường trước đây đã làm trọn vẹn trải nghiệm của trẻ khi ở nhà thì bây giờ không còn đủ nữa. Đứa trẻ 7 tuổi này cần một thứ gì đó khác, một môi trường nhiều kết nối xã hội hơn và khó khăn hơn.

Có một ví dụ về việc xã hội đáp ứng nhu cầu của trẻ ở giai đoạn này, đó là Boy Scouts (Xem Boy Scouts trên Wikipedia). Boy Scouts là gì nếu không phải những cá nhân tìm kiếm những môi trường khó khăn hơn, nhiều giao tiếp xã hội hơn, trải nghiệm rộng hơn và độc lập với gia đình. Ở giai đoạn này, trẻ không còn cần một mô hình trường như giai đoạn trước, mô hình trường mới cần phải hoàn hảo hơn. Trẻ cần đi ra ngoài thế giới để có kết nối rộng hơn với tự nhiên và xã hội con người.

Tôi nghĩ hình thái bản năng khám phá (instinctive form of exploration) này cần được trường học cân nhắc để phục vụ tốt hơn sự phát triển văn hóa ở trẻ. Cung cấp học liệu cho trẻ học ở trường không còn đủ nữa. Trẻ phải đi vào thế giới. Bên cạnh những học liệu, học cụ trẻ có ở trường, đứa trẻ cần được hướng dẫn để có thể tự đi và tìm những học liệu cho chính mình. Chúng ta cho trẻ ngôi trường và học cụ, nhưng chúng thôi thì chưa đủ, trẻ cần khám phá thế giới vật chất và xã hội này. Trẻ không muốn được chăm sóc như một con thú cưng nữa; trẻ muốn một cuộc sống đơn giản, độc lập khỏi vòng bảo vệ của gia đình và những cố gắng thể chất đơn thuần.

Nếu một cậu bé ở tuổi này có thể nói: “Con có thể tự mang ba lô trên vai và con có thể nằm ngủ ngoài trời”, nó thể hiện rằng tính cách của trẻ đã và đang được chuyển hóa.

Nếu xu hướng này của trẻ được tuân theo và nếu người lớn tạo ra một sự hướng dẫn để trẻ có thể thấm hút văn hóa trong một môi trường bao la hơn, đó thực sự là một đóng góp vĩ đại. Vì vậy, khuyến khích phát triển tâm trí ở thời kỳ này là rất quan trọng.

Từ kinh nghiệm của tôi, tôi tin rằng văn hóa được dạy ở các trường học truyền thống cần được mở rộng rất nhiều. Sự phát triển văn hóa một cách tự nhiên ở lứa tuổi này là một khám phá ấn tượng mà trẻ đã hé lộ cho chúng ta. Thực sự, chúng tôi đã đi tới kết luận rằng tất cả các yếu tố văn hóa cần được đưa tới cho đứa trẻ 7-12. (Hãy tìm hiểu về Cosmic education)

Tôi có đề cập ở trên, rằng giáo cụ là không đủ, nhưng không phải là không cần thiết. Ở thời kỳ trước, giáo cụ giúp xây dựng nên những thành tố của tính cách; ở giai đoạn này, giáo cụ trợ giúp việc tiếp thu văn hóa. Trẻ trong môi trường truyền thống thường tảng lờ bài học có thể là do trẻ muốn ý thức và kiến giải mọi vật bằng nỗ lực của chính mình. Mọi người đều biết dạy một đứa trẻ 7 tuổi khó như thế nào. Hoặc là nó không chú ý vào bài học, hoặc là nó cố gắng hết sức để thoát khỏi cái phòng học này. Trong căn phòng đó, trẻ là một người tiếp thu bị động, không có gì cho trẻ làm mang lại cảm giác thỏa mãn. Nhưng mọi thứ thay đổi khi chúng ta đưa trẻ học cụ. Trẻ sẽ làm việc không mệt mỏi để tìm ra nguyên nhân, lý do và kết quả đằng sau. Những cố gắng tâm trí của trẻ luôn song hành với hoạt động của đôi tay để giữ trẻ tập trung vào nhiệm vụ. Với sự trợ giúp từ phía học cụ, rất nhiều môn học có thể được đưa vào ở độ tuổi này như đại số, bởi tâm trí lúc này đã ở trong giai đoạn trừu tượng.

Cùng cách này, rất nhiều môn học được dạy ở trường cấp 2 có thể được mang xuống dạy trẻ tiểu học. Kinh nghiệm của chúng tôi đã chỉ ra điều này khi trẻ được cung cấp học cụ phù hợp, trẻ sẽ làm việc, còn không, trẻ sẽ chỉ tìm cách trốn thoát khỏi ngôi trường.

Về khía cạnh đạo đức thì sao? Lương tâm của trẻ trở thành mái chèo chính, trẻ rất quan tâm tới việc cái gì đúng, cái gì hợp lẽ và cái gì bất công. Trẻ có một cảm giác mãnh liệt khi đối mặt với những tình huống bất công. Khi người lớn yêu cầu một điều gì đó từ một đứa bé 0-6 mà bé không thể đưa, đứa trẻ 7 tuổi kia sẽ đi tới và đối đầu phản kháng. Chống đối lại sự bất công ở độ tuổi này rất phổ biến, nó còn được mở rộng sang cả những con vật. Có rất nhiều ví dụ có thể được liệt kê ra, như tôi là một ví dụ, tôi đã có một trải nghiệm thú vị với con dê nhỏ mà chúng tôi nuôi trong trường. Tôi thích thú việc nhìn nó đứng bằng 2 chân sau để ăn lá trên cây. Một ngày nọ, tôi đang cho nó ăn cỏ, giơ cỏ lên phía cao để xem nó có thể với cao được tới đâu, thì một đứa trẻ 7 tuổi đi tới và giúp nâng 2 chân trước của dê con lên để nó có thể với tới thức ăn mà không phải mệt nhọc, thể hiện ra tôi đã nhẫn tâm như thế nào.

Một vài người có thể nói, đứa trẻ ở giai đoạn 2 có những đặc điểm đáng ngưỡng mộ hơn ở giai đoạn đầu. Có một vài người lớn có những đặc điểm như trẻ ở giai đoạn 2, và cũng có một vài người lớn có nhiều những đặc điểm ở giai đoạn 1 hơn. Ở giai đoạn 2, có thể cung cách ứng xử không được đẹp, và ăn mặc có thể luộm thuộm, nhưng họ có nhiều tính tốt; họ rất chân thật, họ không thể bình chân trước điều bất công, họ họ hành một cách nghiêm túc, họ đi những con đường dài và họ chơi thể thao với sự say mê. Có rất nhiều người lớn như vậy. Rất đáng ngưỡng mộ, nhưng họ thể hiện những nét tâm lý của một trẻ chưa dậy thì. Vẫn còn nhiều thứ cao cả hơn thế. Luôn luôn, khi đã đạt đến một mức phát triển cao quý, sẽ luôn luôn có một mức cao quý hơn để đạt tới. Mỗi giai đoạn cần được trải qua một cách tròn đầy để có thể bước qua giai đoạn tiếp theo, mang theo những kết quả đáng quý. Phân tâm học cũng có ý niệm tương tự về điều này, rằng nếu một người không được sống tròn đầy qua một giai đoạn, họ sẽ quay lại đó lần nữa. Ví dụ một người đàn ông trẻ thiếu vắng tình yêu của mẹ sẽ tìm thấy tìm thấy sự thỏa mãn khi anh ta cưới người phụ nữ già hơn mình.

Giai đoạn 3: Tuổi thiếu niên 13 – 18

Giai đoạn 3 bắt đầu với tuổi thiếu niên, và nó cần sự giáo dục mới. Phần giới thiệu này sẽ ngắn gọn nên tôi sẽ giới hạn bản thân vào các yếu tố tình cảm xã hội trong thời kỳ này. Đứa trẻ 0-18 lần lượt trải qua các giai đoạn, từ tình cảm tới một số người nhất định xung quanh mình (0-6) tới một xã hội rộng lớn hơn, khi trẻ chứng kiến cách vận hành của thế giới vật chất và xã hội con người (7 – 12), và tới tình cảm xã hội trừu tượng cho loài người nói chung (13 – 18). Tuổi thiếu niên có thể cảm thấy và thể hiện tình cảm với một lớp người đau khổ chẳng hạn, nhưng tựu chung lại, trẻ muốn hiểu được hành vi của con người trên thế giới như một tổng thể, bao gồm cả trong quá khứ. Sự thay đổi tâm lý ở giai đoạn này tạo nên sự khác biệt của mỗi cá nhân. Thiếu niên chuyển từ xúc cảm cho bản thân trong mối quan hệ với những người mà trẻ tiếp xúc, tới xúc cảm cho những người mà họ chưa từng gặp. Đây là tình yêu trừu tượng, là tình yêu mà không có sự trừng phạt bởi nó hướng đến những người chưa từng được trông thấy, và sẽ không trông thấy, vì họ quá nhiều.

Cũng ở giai đoạn này mà thiên hướng bản thân và tinh thần chiến đấu xuất hiện.

Những đứa trẻ này muốn đóng góp trực tiếp cho xã hội và nhận lại sự công nhận. Đây là một khám phá mới.

Mọi người đều nhận ra rằng trẻ ở giai đoạn này rất hứng thú với lịch sử. Nhưng không phải là cách học đồng hóa (assimilation) ở trường họ truyền thống. Ở tuổi này, trẻ không đồng hóa như ở các giai đoạn trước đó. Trẻ muốn tự nghiên cứu và trải nghiệm. Trẻ đang định hướng và xác định giá trị cho mình trong xã hội. Học theo kiểu đồng hóa trói buộc trẻ vào chương trình ở trường không nên được đưa vào độ tuổi này.

Sự sai lầm của trường trung học là họ sử dụng những phương pháp đồng hóa mà không còn phù hợp với sự phát triển của thiếu niên. Thiếu niên không nên bị giới hạn trong môi trường lớp học, hay là môi trường rộng lớn bên ngoài nơi mà họ học và hiểu làm thế nào và tại sao, cũng không phải là gần gia đình là nơi mà họ tiếp tục phụ thuộc tài chính. Họ nên đi rất xa, khỏi nơi này.

Tôi tin rằng ở giai đoạn này, tuổi thiếu niên rất dễ bị tổn thương bởi các căn bệnh như lao, … họ nên làm việc trên đất liền, cùng với những hướng dẫn từ chương trình học (Tìm hiểu thêm về Erdkinder)

Thiếu niên 12-18 không chỉ nên làm việc, mà nên nhận được tiền công từ công việc của mình. Điều này có thể sẽ khiến nhiều người phẫn nộ khi họ cân nhắc tiền là một thứ gì không phù hợp với trường học. Nhưng lòng tự trọng của thiếu niên sẽ được xây dựng khi họ có một công việc nghiêm túc, và họ nhận thức được ý nghĩa của công việc và tiền bạc. Nhận được tiền từ công việc là biểu hiện của việc họ đã làm một việc gì đó có ý nghĩa, không thì tiền sẽ chỉ là thứ mà gia đình đưa cho họ và họ trở thành những kẻ ăn bám. Và một người có lòng tự trọng nào lại muốn ăn bám?

Trong một lớp học làm việc (working class), có vô số thiếu niên đang làm việc. Có thể nói rằng họ làm vậy thì họ phải làm, nhưng tôi thấy trong đó một khát khao trở nên độc lập tài chính của thiếu niên ở tuổi này, họ trân quý đồng tiền họ làm ra như thế nào. Có một người con trai của một triệu phú ở Mỹ đã đi khỏi nhà mình để tự kiếm sống. Khi được tìm thấy, cậu đang làm việc trong một ban nhạc jazz. Trước đây, cậu sống trong điều kiện dư giả, với những chiếc xe sang và tất cả số tiền cậu muốn, nhưng ở đây cậu đã thỏa mãn vô cùng khi sống với 8$ tiền công mình làm ra. Tại sao? Bởi vì cậu đã đạt được và cảm thấy giá trị của chính mình. Cậu có tiếp tục làm việc trong ban nhạc jazz không? Không. Nhưng ở giai đoạn này, cậu cần tự mình làm, tạo ra giá trị và hiểu những căn bản của xã hội. (But in this phase he required to produce on an experimental basis, social and experimental)

Đây chỉ là một ví dụ mà tôi và rất nhiều người khác có thể đưa ra. Nhưng chúng ta cần nhận ra rằng, ở giai đoạn này, đứa trẻ cần tiếp tục sự phát triển của mình bằng cách sống với trải nghiệm trong bất kỳ góc độ nào của đời sống xã hội qua các cách thức của sản xuất, làm việc và thí nghiệm. Anh ta cần có khả năng sáng tạo và định hướng bản thân.

Như khi chúng ta gọi đứa trẻ ở giai đoạn đầu là đứa trẻ của đồ đạc, bởi đồ đạc giúp trẻ xây dựng và hỗ trợ trẻ hình thành tính cách. Trẻ ở giai đoạn thiếu niên có thể được gọi là trẻ của Thế Giới. Dạng này tương ứng với những người lớn, khi họ tham gia vào nhiệm vụ của cuộc đời mình – Đây là những người tham gia vào chính trị, vào sản xuất và thương mại của thế giới. Những người như vậy vẫn chưa phải là những người hoàn hảo. Họ đang ở giai đoạn chuyển tiếp, và những đặc điểm của họ thuộc về giai đoạn phát triển của thiếu niên.

Hãy nghĩ về một người đàn ông với gánh nặng lớn trên vai, vẫn dành tình yêu cho gia đình mình, vẫn thích thú khám phá triết học, sản xuất và sáng tạo. Dưới góc nhìn của tôi, anh ta chưa phải là một người đàn ông trưởng thành, anh ta chỉ là một cậu thiếu niên

Giai đoạn 4: 18 – 21 tuổi

Vượt qua giai đoạn 12 đến 18 là một giai đoạn tương ứng với sinh viên đại học truyền thống (18-21)

Anh ta là một đốm lửa sống, nhận thức về cánh cửa của những tiềm năng và triển vọng của đời người và những khả năng cùng trách nhiệm của bản thân. Khát vọng của anh ta không thể giới hạn nó trong những ưu thế cá nhân của mình. Cái tôi hay bản thân anh ta trở thành thứ yếu. Hướng đi của anh phải đi về phía toàn bộ nhân loại. Anh ta đã trải qua những giai đoạn khác nhau, những vấn đề trong phát triển cũng như trong giáo dục. Bây giờ, anh ta đối mặt với những vấn đề mới trong giai đoạn cuối. Giáo dục và văn hóa không có giới hạn hay biên giới, ở giai đoạn này anh phải quyết định cho chính mình rằng anh sẽ đi xa đến đâu trong nền văn hóa của loài người. Không quan trọng anh ta chọn điều gì, anh ta phải nhận ra rằng văn hóa không bao giờ kết thúc. Anh ta cần nhận ra sự thật này ở giai đoạn này, để tiếp tục tiến hóa cùng loài người. Giáo dục sẽ tiếp tục suốt đời. (Văn hóa – culture ở đây nói về toàn bộ văn minh của loài người)

Nhân loại rất cần những con người ý thức về sức mạnh của họ, những người đã trải qua các bài học trong các giai đoạn phát triển. Ta mong muốn rằng loài người sẽ hợp chung lại với sự đồng lòng, nhưng điều này không hề dễ dàng. Để đạt được điều này, chúng ta cần bước một bước xa hơn, để thức tỉnh một lương tâm đạo đức và trách nhiệm cao hơn. Để có thể đạt được điều này khi tham gia vào nhiệm vụ cuộc đời, cần có một sự chuẩn bị dài về phẩm hạnh trước đó. Không phải chỉ bằng việc học hành và khoa học là có thể tiến tới trình độ này. Anh ta cần hấp thụ và rồi vượt qua tất cả những điều tốt đẹp của mỗi giai đoạn phát triển.

Chúng ta cần gì ở thời đại này, hãy hình tượng hóa điều đó qua hình ảnh Chúa Giê-su trong sa mạc trước khi ngài đi rao truyền, ngài gặp ma quỷ. Ngài đối mặt với Satan, ngài thấu suốt ma quỷ và ngài vượt qua những sự cám dỗ của hắn. Đây là chặng đường cuối của giai đoạn phát triển thứ 4. Ham muốn quyền lực, ham muốn sở hữu, ham muốn một cuộc sống dễ dàng cần phải được vượt qua. Những điều này là không thể đạt được trừ khi người đó đã trải qua tất cả các trải nghiệm ở các giai đoạn, sự vượt qua này chỉ có thể đạt được bởi một người phát triển toàn diện. Nhân loại cần có sự đồng lòng, thấu hiểu chung, nhưng đây sẽ mãi là một vế không cân bằng. Ở vế bên kia, chúng ta cần cung cấp cho Con Người những môi trường phù hợp để Con Người có thể phát triển và từ đó có khả năng thấu hiểu nhân loại.

Chúng ta cần đồng hành cùng Con Người, dắt tay anh ta với sự điềm tĩnh và tự tin, qua các giai đoạn phát triển. Chúng ta phải đặt trước anh ta mọi thứ, trường học, văn hóa, tâm linh, cả thế giới. Chúng ta cần hỗ trợ anh ta phát triển từ bên trong, để anh ta có thể thấu hiểu. Việc này không phải chỉ là lời nói xuông, nó cần được thực hiện trong lao động giáo dụ. Đây sẽ là sự chuẩn bị cho hòa bình, hòa bình không thể tồn tại nếu không có công lý, nếu không có những người với lương tâm và tính cách mạnh mẽ.”

Contact Me on Zalo
Scroll to Top