Thiện tính của trẻ và những yếu tố ảnh hưởng

Những miêu tả về môi trường, về các phương tiện được sử dụng trong “Ngôi nhà của trẻ” có thể khiến người đọc ấn tượng về tính logic và thuyết phục về một phương pháp giáo dục có hệ thống. Nhưng điều quan trọng trong phương pháp Montessori không nằm ở tính hệ thống, mà là tác động của nó lên đứa trẻ. Chính trẻ là người chứng tỏ giá trị của phương pháp này bằng những biểu hiện tự nhiên của mình, qua đó hé lộ những quy luật về sự phát triển bên trong mỗi con người. Ngành tâm lý học có lẽ sẽ thấy “Ngôi nhà của trẻ” là một phòng thí nghiệm có khả năng hé lộ nhiều sự thật hơn tất thảy các thời kỳ trước đây. Bởi nghiên cứu những yếu tố quan trọng trong tâm lý học, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu khởi nguyên và sự phát triển của tâm trí, sự bắt đầu và phát triển của tâm trí cần được thực hiện trong điều kiện bình thường, để tạo điều kiện cho những phát triển tự do của ý nghĩ.

Chúng tôi để trẻ tự do trong công việc của chúng, trong những hành động diễn ra mà không làm phiền công việc của trẻ. Vì vậy, chúng tôi loại trừ sự hỗn loạn, là những thứ “xấu”, và cho phép những thứ có trật tự và “tốt” được biểu hiện tự do một cách tối đa.

Những kết quả đạt được rất đáng ngạc nhiên, những đứa trẻ đã thể hiện tình yêu công việc mà trước đó không ai nghĩ rằng có nơi chúng, và một trạng thái bình thản, trật tự trong từng vận động của chúng, vượt qua cả sự đúng đắn thông thường, như được Ơn ban từ trên cao. Kỷ luật và sự nghe lời xuất hiện một cách tự nhiên được trông thấy trong cả lớp học, tạo thành kết quả đáng chú ý nhất trong phương pháp của chúng tôi.

Những bàn luận triết học xưa về việc con người sinh ra là “ác” hay “thiện” thường tìm thấy những liên kết với phương pháp của tôi, và rất nhiều người theo phương pháp này ở khắp các nơi, đã đưa ra minh chứng về bản tính tốt đẹp tự nhiên nơi con người. Rất nhiều người ở phía đối lập phản đối điều này, cho rằng việc để trẻ tự do là một sai lầm nguy hiểm, bởi chúng có những xu hướng xấu xa bên trong.

Tôi muốn đưa vấn đề này lên một tầng suy nghĩ cao hơn và tích cực hơn:

Trong thuật ngữ “thiện” và “ác”, chúng ta bao gồm trong đó rất nhiều ý tưởng khác nhau, và chúng ta lẫn lộn “thiện” với “ác”, đặc biệt trong đời sống hàng ngày với trẻ nhỏ.

Những xu hướng mà chúng ta gán là xấu xa cho trẻ từ 3 – 6 tuổi thông thường chỉ là những điều gây ra khó chịu nơi người lớn. Khi chúng ta không hiểu nhu cầu của trẻ, chúng ta ra sức ngăn cản trẻ trong mỗi vận động, trong mỗi cố gắng của chúng để trải nghiệm thế giới này (bằng cách chạm vào mọi thứ, …). Đứa trẻ, bởi những xu hướng tự nhiên của mình, phối hợp các chuyển động để thu nhặt những ấn tượng, đặc biệt là những cảm giác chạm. Vì thế, khi bị ngăn chặn, trẻ nổi loạn, và các hình thức nổi loạn của trẻ gộp lại thành sự “hư đốn”.

Kỳ diệu làm sao khi sự xấu xa, hư đốn đó biến mất, khi chúng ta đưa ra những phương tiện cần thiết cho sự phát triển, và để trẻ hoàn toàn tự do sử dụng chúng, sự nổi loạn sẽ không có lý do gì nữa để tồn tại.

Hơn cả thế, một chuỗi những kiểu bộc phát nóng giận và điên rồ trước đây, được thay thế bằng một chuỗi những bộc phát của niềm vui, tính khí của trẻ trở thành bình thản và hòa nhã, trẻ trông như một con người khác.

Chính chúng ta là người phát khởi nơi trẻ cái biểu hiện bạo lực khi tạo ra những trắc trở cho việc tồn tại của trẻ. Để có thể tồn tại với những nhu cầu của một tâm lý đang phát triển, trẻ thường phải “chộp” lấy những thứ cần thiết cho mục đích đó từ môi trường. Trẻ phải hành động ngược lại với luật lệ của chúng ta, thỉnh thoảng phải vật lộn với những đứa trẻ khác để lấy từ chúng những đồ vật phù hợp với mục đích tồn tại của trẻ.

Mặt khác, nếu chúng ta đưa trẻ phương tiện hỗ trợ việc tồn tại, những đấu tranh cho tồn tại biến mất, và sự sống bung nở một cách mãnh liệt, chiếm lấy vị trí của nó. Việc này bao gồm những cơ chế bảo tồn của cơ thể liên kết với hệ thần kinh trong giai đoạn khó khăn khi não bộ vẫn đang phát triển một cách nhanh chóng, và nó cần được nghiên cứu sâu hơn bởi các chuyên gia về bệnh trẻ em và các rối loạn trong tâm trí. Sự sống bên trong chúng ta, và sự hình thành trí khôn tuân theo những quy luật đặc biệt và những yếu tố tối quan trọng không thể bị bỏ qua nếu chúng ta muốn hỗ trợ sức khỏe cho xã hội loài người.

Vì lẽ này, một phương pháp giáo dục nuôi dưỡng và bảo vệ những hoạt động bên trong của trẻ, không phải là vấn đề của riêng nhà trường hay giáo viên, nó là vấn đề chung cho mỗi gia đình, và đặc biệt quan trọng đối với người mẹ.

Đi sâu hơn vào mỗi vấn đề, chúng ta không tìm lời giải mà tìm các phương tiện đưa đến lời giải đúng đắn. Nếu, ta thấy một đám người đánh nhau vì một miếng bánh mì, ta có thể thở dài ngán ngẩm: “Con người thật xấu xa!” Và nếu, khi ta bước vào một căn nhà ấm cúng, thấy mọi người yên lặng ngồi xuống, cầm lên bữa ăn của mình mà không có chút ghen ghét đố kỵ nhau, ta có thể nói: “Con người thật tốt đẹp!”. Hiển nhiên rằng, những suy nghĩ trực giác của chúng ta không chỉ dừng lại ở những phán xét nông cạn “cái này tốt” và “cái kia xấu”, nó có thể đi xa hơn những giới hạn đó. Chúng ta có thể cung cấp những ngôi nhà với đồ ăn tuyệt hảo cho tất cả loài người mà không khiến họ bận tâm đưa ra bất kỳ phán xét đạo đức nào. Sẽ có người nhìn vào đó và nói: Những con người no đủ thì tốt hơn, yên lặng hơn và ít gây tội lỗi hơn những người không được nuôi dưỡng. Nhưng những ai đưa ra kết luận rằng để làm cho con người trở nên tốt đẹp, chỉ cần ngày 3 bữa là đủ, sẽ mắc một sai lầm thấy rõ.

Không thể phủ nhận, sự nuôi dưỡng là yếu tố quan trọng để duy trì tính tốt, khi xét rằng nó sẽ loại trừ tất cả những hành động xấu xa, và sự gay gắt do thiếu bánh mì gây ra.

Nhưng trong trường hợp này, chúng ta đang đối mặt với nhu cầu sâu xa hơn, – sự nuôi dưỡng đời sống bên trong, và những chức năng cao hơn (higher functions). Vấn đề bánh mì mà chúng ta đang cần giải quyết là bánh mình cho tinh thần, và chúng ta đang bắt đầu bước vào một vấn đề khó khăn của sự thỏa mãn nhu cầu tâm lý của con người.

Chúng tôi đã đạt được những kết quả rất tốt, qua thực nghiệm, chúng tôi có thể đưa ra các phương tiện cho phép trẻ đạt đến mức độ cao hơn của sự điềm tĩnh và tốt đẹp. Toàn bộ nền tảng của các kết quả này dựa vào các phương tiện mà chúng tôi đã khám phá, có thể tạm chia thành 2 phần: Tính trật tự của công việc và tự do (liberty, không phải freedom).

Tính trật tự hoàn hảo bên trong công việc, cho phép khả năng tự phát triển, và cung cấp đầu ra cho năng lượng. xung năng, mang về cho mỗi đứa trẻ sự thỏa mãn có lợi và bình an. Và trong chính điều kiện làm việc như vậy, sự tự do bên trong dẫn dắt để hoàn thiện hoạt động bên ngoài, và mang tới sự kỷ luật mới, mà bên trong đó là sự bình an mới phát triển nơi trẻ.

Sự tự do bên ngoài mà không có tính hệ thống trong công việc là vô dụng. Trẻ được thả tự do mà không có phương tiện làm việc sẽ trở nên thui chột, giống như một đứa trẻ sơ sinh được thả tự do mà không được nuôi dưỡng, sẽ chết đói. Tính hệ thống trong công việc là tảng đá góc nhà của cấu trúc tốt đẹp này; nhưng cấu trúc đó cũng sẽ trở nên hão huyền nếu không có sự tự do bên trong để sử dụng chúng, hay không có sự tự do từ môi trường cho phép năng lượng từ thỏa mãn với hoạt động của trẻ bộc lộ ra.

Phải chăng một hiện tượng tương tự cũng đã xảy ra trong lịch sử loài người? Lịch sử của nền văn minh là lịch sử của những nỗ lực thành công trong việc tổ chức công việc và đạt được tự do. Nhìn chung, lòng tốt của con người cũng đã tăng lên, khi so sánh thời kỳ man rợn với thời kỳ văn minh, và có thể nói rằng tội phạm, các hình thức của sự xấu xa, tàn bạo và bạo lực đã dần giảm đi trong suốt thời gian này.

Tội phạm của thời đại chúng ta, được so sánh với một nhóm người man rợn tồn tại giữa những người dân văn minh. Do đó, thông qua việc tổ chức công việc tốt hơn, xã hội có lẽ sẽ đạt được sự thanh lọc cao hơn, và trong lúc này, nó dường như đang vô thức tìm cách phá bỏ những rào cản cuối cùng giữa chính nó và tự do.

Từ tội phạm trong xã hội, hãy nhìn sang những trẻ từ 3-6, kết quả sẽ tuyệt vời như thế nào nếu công việc của trẻ được tổ chức một cách hoàn hỏa, và trẻ được tự do để thực hiện công việc đó. Những đứa trẻ từ đây trở nên tốt đẹp, giống như những sứ giả của hy vọng và sự cứu chuộc.

Nếu người lớn, dù vẫn còn đi lần lượt một cách đau đớn và không hoàn hảo trên con đường của công việc và tự do, đã trở nên tốt hơn, tại sao chúng ta lại sợ rằng con đường đó sẽ gây ra thảm họa cho trẻ em?

Tuy nhiên, tôi sẽ không nói rằng sự tốt đẹp của những đứa trẻ nhỏ trong một môi trường tự do sẽ giải quyết vấn đề về lòng tốt hoặc sự xấu xa tuyệt đối của con người. Chúng ta chỉ có thể nói rằng chúng ta đã đóng góp, hỗ trợ tạo ra sự tốt đẹp bằng cách loại bỏ những trở ngại đã gây ra bạo lực và sự nổi loạn.

“Trả lại cho Cæsar những gì thuộc về Cæsar, và trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa.”

Contact Me on Zalo
Scroll to Top