Phẩm chất thiết yếu ở một người giáo viên Montessori

Một sự đánh giá hời hợt nhưng phổ biến về Phương pháp Montessori cho rằng không cần đòi hỏi gì ở người giáo viên, kẻ phải tự kìm mình không can thiệp và để trẻ tự làm việc riêng của chúng. Nhưng khi ta xét đến các giáo cụ, số lượng và thứ tự cũng như các chi tiết để trình bày, nhiệm vụ của người giáo viên trở nên tích cực và phức tạp. Không phải vì người giáo viên Montessori không hoạt động những lúc mà người giáo viên thông thường hoạt động; nói đúng hơn tất cả các hoạt động mà chúng tôi đã mô tả là do sự tích cực trong chuẩn bị và hướng dẫn của người giáo viên, và sự “bất hoạt động” về sau này của giáo viên là chỉ dấu của sự thành công của họ, biểu hiện rằng công việc của họ đã hoàn thành một cách thành công. Vui thay khi những thầy cô đã mang lớp học của họ đến giai đoạn mà họ có thể nói là: “Dù tôi có mặt hay không, lớp học vẫn tiếp diễn, cả lớp đã đạt được tính độc lập”. Để đạt đến điểm thành công này, có một đường lối phát triển mà người giáo viên cần theo:

Một giáo viên bình thường không thể chuyển biến thành một giáo viên Montessori, họ cần được tạo mới, rũ bỏ đi những định kiến sư phạm. Bước đầu tiên là tự chuẩn bị trí tưởng tượng của mình, bởi người giáo viên Montessori phải hình dung được đứa trẻ chưa có ở đó, đứa trẻ tàng ẩn phía sau cơ thể và những hành vi kia, và phải có niềm tin rằng đứa trẻ đó sẽ tự bộc lộ ra qua lao động. Những tuýp trẻ lệch lạc khác nhau không làm lung lay niềm tin của người thầy này, kẻ vốn nhìn thấy một tuýp trẻ khác trong lĩnh vực tâm linh, và vững tin trông chờ cái hữu thể này xuất hiện khi nó bị hấp dẫn bởi cái công việc làm nó thích thú. Họ chờ đợi đứa trẻ bộc lộ những dấu hiệu của sự tập trung chú ý.

Trong công việc này, có 3 giai đoạn phát triển:

  1. Là người bảo vệ và quản gia của môi trường, người giáo viên chú tâm đến chính công việc này, thay vì bị bận tâm về các khó khăn từ đứa trẻ hay gây chuyện, bởi cô biết rằng sự chữa trị sẽ đến từ môi trường. Chính từ môi trường sẽ xuất hiện lực hút, điều hướng, phân cực lại ý chí của trẻ (tìm hiểu về từ trường của nam châm hay trọng lực để hình ảnh hóa miêu tả này). Giáo cụ phải luôn luôn đẹp đẽ, sáng bóng, và được sửa chữa tốt, không thiếu cái gì, để nó trông như mới đối với trẻ, và đủ bộ, sẵn sàng để dùng. Người giáo viên, là một phần của môi trường, chính cô cũng phải trông hấp dẫn, tốt nhất là trẻ tuổi và đẹp, ăn mặc có duyên, thơm tho và sạch sẽ, vui tươi hạnh phúc và trang nghiêm một cách bao dung. Đây là lý tưởng, và không phải lúc nào cũng có được, nhưng người giáo viên khi hiện diện với trẻ phải nhớ rằng trẻ em là những con người vĩ đại mà cô phải hiểu và kính trọng. Cô phải để ý đến các động tác của mình, khiến chúng dịu dàng và duyên dáng nhất có thể, để đứa trẻ có thể vô ý buột miệng khen cô đẹp như mẹ của em, người tự nhiên là lí tưởng về cái đẹp của trẻ.
  2. Ở giai đoạn 2, người giáo viên cần phải xử lý với các trẻ vẫn còn mất trật tự (chưa sắp xếp được tâm trí), với những em mà tâm trí còn đi lông bông không mục đích, công việc bây giờ là làm sao cho chúng tập trung vào một công việc nào đó. Người giáo viên lúc này cần phải hấp dẫn, và cô có thể dùng bất cứ phương tiện nào, đương nhiên ngoại trừ roi vọt để thu hút sự chú ý của trẻ. Ít nhiều gì cô cũng có thể làm bất cứ điều gì cô thích, bởi vì lúc ấy với sự can thiệp của cô, chưa có gì quan trọng có thể bị xáo trộn, nên một phong cách vui tươi khi gợi ý các hoạt động là một hướng đi tốt. Những trẻ không ngừng ăn hiếp người khác phải bị ngăn chặn bởi một hoạt động như thế không cần cho phép được hoàn tất.
  3. Một khi sự quan tâm của các em đã được khơi dậy, thường là một bài tập nào đó trong góc thực hành cuộc sống, bởi các học cụ khác hiện chưa phù hợp để trình bày, người giáo viên phải tự rút lui vào hậu trường, cẩn thận để bản thân mình không can thiệp, hoàn toàn không được can thiệp, dù ở bất kỳ cách thức nào. Lúc này, sai lầm thường xảy ra, ví dụ như thốt lên một câu khen “Tốt” khi đi ngang qua một đứa trẻ trước đó nghịch ngợm, cuối cùng cũng đang tập trung vào một việc nào đó. Một lời khen mặc dù với ý tốt như thế cũng đủ để gây tổn hại, đứa bé đó sẽ không nhìn đến công việc kia trong nhiều tuần lễ tiếp theo. Nếu đứa trẻ đang gặp khó khăn, giáo viên không nên chỉ cho em cách giải quyết, trẻ sẽ mất hứng thú, vì mục đích đối với trẻ là chinh phục cái khó khăn ấy chứ không phải tự thân công việc. Một đứa trẻ đang khiêng một vật nặng quá sức của nó không muốn được giúp đỡ; thông thường chỉ cần nhận ra một ánh nhìn từ giáo viên thôi cũng đủ làm nó ngưng hoạt động đó lại. Khi sự tập trung của trẻ xuất hiện, giáo viên cần thể hiện ra rằng mình không để ý. Hoặc ít nhất, trẻ phải gần như không ý thức đến sự chú ý của giáo viên. Khi hai đứa trẻ cùng muốn một món học cụ, phải để chúng tự giải quyết vấn đề với nhau, trừ khi chúng kêu gọi giáo viên đến trợ giúp. Nhiệm vụ của giáo viên chỉ là trình bày món học cụ mới khi đứa trẻ đã khai thác tất cả cách vận dụng có thể có của món cũ. Đứa trẻ sau khi hoàn thành công việc của mình, muốn cho cô xem để nhận sự tán thành, trẻ nên nhận được lời tán thành không miễn cưỡng và thực sự thành thật: “Đẹp quá!”. Người thầy tham gia cùng niềm vui của trẻ với thành quả mà trẻ đạt được.

Các giáo viên Montessori không phải đầy tới của cái thân thể của đứa trẻ, để tắm rửa, mặc quần áo và cho nó ăn uống – họ biết trẻ cần làm những việc này để phát triển tính độc lập. Chúng ta phải giúp đứa trẻ tự làm cho chính mình, tự có ý muốn của chính mình, tự suy nghĩ cho chính mình; đây là nghệ thuật của những ai ước ao phục vụ cho tinh thần (spirit). Đón mừng các biểu hiện của tinh thần đáp lại lòng tin của mình là niềm vui của người giáo viên. Đây là đứa trẻ như nó phải là: Người lao động không bao giờ mệt mỏi, đứa trẻ bình thản tìm sự nỗ lực tối đa, cố gắng giúp kẻ yếu trong tinh thần tôn trọng tính độc lập ở họ. Đó chính là đứa trẻ đích thực cần được mở ra.

Như vậy, các giáo viên của chúng tôi đã thâm nhập vào bí ẩn của tuổi thơ và có một tri thức vượt hẳn người giáo viên thông thường, người đã trở thành quen thuộc chỉ với những điều hời hợt bên ngoài đời sống của trẻ em. Biết được bí mật của trẻ thơ, họ có một tình yêu thường sâu sắc đối với trẻ, có lẽ đây là lần đầu tiên cô hiểu thế nào là thật sự yêu thương. Nó ở một tầm mức khác với tình yêu riêng tư được tỏ lộ bằng sự vuốt ve âu yếm, và sự khác biệt đã do trẻ em đem đến, kẻ với những hiểu hiện của tinh thần đã làm cho người thầy của chúng cảm động sâu sắc, nó nâng họ lên một tầm mức mà họ chưa hề biết đến; nay họ đang ở đó và họ hạnh phúc. Sự hạnh phúc của họ trước đó có lẽ là có mức lương càng cao càng tốt, và làm việc càng ít ở mức lương đó nếu có thể; họ có thể tìm được sự hài lòng cho mình trong sự vận dụng quyền lực và ảnh hưởng của mình, và hi vọng của họ đã là trở thành hiệu trưởng hay viên thanh tra. Nhưng ở đó không có hạnh phúc đích thực, và ta hẳn phải từ bỏ tất cả để cảm nhận được cái hạnh phúc về tâm linh lớn hơn mà trẻ thơ có thể trao cho, bởi “Nước Thiên Đàng là như thế.”

Bài viết này được trích từ Chương 13 quyển: Vì một thế giới mới – Maria Montessori.

Bài viết được đối chiếu với bản Tiếng Anh (Education for a new world) và sửa lại một vài đoạn cho dễ hiểu hơn.

Contact Me on Zalo
Scroll to Top